Phương pháp luận nghiên cứu về đầm phá

  • Đinh Văn Chung
  • 12-09-2019
  • 650 lượt đọc

Từ lagun nói chung (lagoon, lagune, laguna …) có nguồn gốc từ chữ Latin – lacuna, được sử dụng rất rộng rãi chỉ những đối tượng khác nhau. Trong từ điển Địa chất của Mỹ “Glossary of Geology, 3rd ed., 1987”, lagun được hiểu là một phần được tách ra khỏi một vực nước nhờ một dạng tích tụ chắn ngoài.

Theo đó, lagun là một phần của biển và được tách ra khỏi biển nhờ một dạng tích tụ chắn ngoài (đảo cát, roi cát, rạn san hô …). Như vậy, nó có thể là một hồ nước ngọt được tách ra khỏi biển nhờ một dạng tích tụ chắn ngoài (đảo cát, roi cát, rạn san hô …) có thể là một hồ nước ngọt được tách ra khỏi một hồ lớn hơn hoặc một con sông và cũng có thể là một vùng cửa sông, một nhánh sông vùng cửa hoặc một đầm lầy … có nước biển chảy vào.

Như vậy, định nghĩa này rất rộng, bao gồm cả lagun xa bờ (offshore lagoon) và ven bờ (coastal lagoon), cả nước mặn lẫn nước ngọt. Ở Việt Nam, có mặt các lagun xa bờ cỡ nhỏ (Quần đảo Trường Sa) và lagun ven bờ (ven bờ miền Trung), có lagun nước lợ, nước mặn và thậm chí siêu mặn (Đầm Ô Loan, tỉnh Phú Yên) nhưng chưa hề nói tới lagun nước ngọt có nguồn gốc sông hoặc hồ như định nghĩa trên. Ở Việt Nam cũng như nhiều nước khác trên thế giới, một vùng cửa sông hay một bộ phận cấu trúc của vùng cửa sông không được coi là các lagun. Cho tới nay đã có nhiều định nghĩa về lagun trong các sách và các từ điển bách khoa. Mỗi định nghĩa đều có một điểm nhấn mạnh nào đó nhưng tất cả đều bổ sung cho nhau nhằm chỉ một đối tượng: Một phần của biển và đại dương được tách ra nhờ một dạng tích tụ (có thể hình thành theo cơ chế cơ học – thể cát chắn, hoặc cơ chế sinh học – rạn san hô) có cửa (một hoặc nhiều) ăn thông với biển.

Định nghĩa lagun khái quát và rõ ràng hơn cả được viết trong Từ điển Bách khoa bốn thứ tiếng của Liên Xô, năm 1980 (trang 221). Theo tài liệu này lagun là một bộ phận nước nông được tách ra khỏi biển hoặc đại dương nhờ một đê cát chắn, một roi cát hoặc một rạn san hô và ăn thông với biển qua một hay nhiều cửa.

Lagun ven bờ – đối tượng quan tâm, có khái niệm hẹp hơn so với lagun nói chung. Đó là một thủy vực ven bờ được ngăn cách với biển ven bờ nhờ một dạng tích tụ cát chắn ngoài, ăn thông với biển phía ngoài qua một hay nhiều cửa hoặc thẩm thấu (percolation), chảy thấm (seeppage) qua chính thể cát chắn ngoài. Có nhiều tác giả đề cập tới khái niệm lagun ven bờ. Định nghĩa về lagun ven bờ được sử dụng phổ biến hiện nay là định nghĩa của Phleger, F.B. (1981). Theo ông, lagun ven bờ (coastal lagoon) là một loại hình thủy vực ven bờ (A coastal body of water) nước lợ, nước mặn hoặc siêu mặn, được chắn ngoài bởi một đê cát (sand barier) và có cửa (inlet) ăn thông với biển phía ngoài. Ăn thông với biển phía ngoài qua một hay nhiều cửa là một đặc tính cơ bản của lagun ven bờ. Cửa có thể cửa mở thường xuyên hay định kỳ (theo mùa). Cửa định kỳ thì chỉ mở về mùa mưa (ví dụ như Đầm Trà Ổ, tỉnh Bình Định) còn về mùa khô, cửa bị cát lấp kín do hoạt động của sóng và dòng bồi tích dọc bờ. Khi bị lấp kín, lagun vẫn ăn thông với biển phía ngoài do sự thẩm thấu hoặc chảy thấm qua chính đê chắn cát.

Tên gọi địa phương về lagun ven bờ tồn tại mang tính lịch sử và tập quán, cho tới nay đã trở thành danh từ riêng và viết hoa. Ví dụ, có những lagun ven bờ nổi tiếng có tên gọi lịch sử là hồ – Hồ Mặt trời (Solar Pond) ở Israsel, Hồ Togo (Lac Togo) ở Guinea, Hồ Mellah (Lac Mellah) ở ven bờ đông Địa Trung Hải, là vịnh – Vịnh Rockporrt (Rockport Bay) ở Texas hay Vịnh Florida (Florida Bay) – một lagun ven bờ điển hình tạo bởi các rạn san hô viền bờ (fringing reef) chắn ngoài. Ở Việt Nam, các lagun ven bờ được gọi là “đầm” hoặc “phá”. Ví dụ, ở Thừa Thiện Huế dùng tên gọi Phá Tam Giang, Đầm Sam, Đầm Thanh Lam, Đầm Hà Trung, Đầm Thủy Tú và Đầm Cầu Hai, mà tất cả chúng là những bộ phận không có ranh giới tự nhiên hợp thành một lagun ven bờ thống nhất. Trước đây, trong Thư tịch cổ cũng như trong dân gian, tồn tại nhiều tên gọi và được phân theo ranh giới hành chính (Nguyễn Miên, 1995), có tên là Phá Hải Hạc, Phá Tam Giang, Đầm Niểu, Đầm Đà Đà, Vịnh Đông, Vịnh Minh Lương, Vịnh Hưng Bình, Vịnh Giang Tân, Vịnh Hà Bạc … Cho tới năm 1831 (thời Minh Mạng), một số được đổi tên trong Thư tịch thành Đầm Thanh Lam, đầm Hà Trung …. Nhưng, trong dân gian vẫn giữ cách gọi riêng và ngày nay vẫn gọi tắt là phá Tam Giang – Cầu Hai và thậm chí gọi Phá Tam Giang. Nguyễn Thanh (1983) cũng đề cập tới một vài cách gọi tên trong luận văn Cao học của mình. Gọi là “Đầm” khi vực nước có cồn cát chắn ngoài và gọi là “Phá” khi vực nước có sông đổ vào. Nói vậy, không riêng gì một vùng cửa sông mà hầu hết các lagun ven bờ miền Trung Việt Nam có sông đổ vào. Cùng đối tượng đó ở Quảng Ngãi có tên gọi Đầm An Khê hay đầm Nước Mặn (Sa huỳnh); ở Bình Định có tên gọi Đầm Trà Ổ, Đầm Nước Ngọt hay Đầm Thị Nại; ở tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa có tên gọi Đầm Ô Loan và thậm chí Đầm Nha Phu và Đầm Nha Phu là một vịnh ven bờ (bay) điển hình. Trong khi đó, ở miền Bắc sử dụng tên gọi “Đầm” theo truyền thống để chỉ một loại hình thủy vực tự nhiên, tạo ra do một đoạn sông chết, một vùng trũng còn sót lại trong quá trình phát triển đồng bằng ven biển và có liên quan tới quá trình lầy hóa hiện nay. Loại hình này tương ứng với “trằm” và “bàu” theo cách gọi tên ở miền Trung. Hơn nữa, chính người dân ven biển phía bắc tự tạo ra một loại hình thủy vực vùng triều (quây đắp một phần bãi triều lầy) để nuôi thủy sản nước lợ rồi cũng gọi nó là “đầm”.

Từ đó thấy rằng, thuật ngữ “Đầm” hay “Phá” tồn tại mang tính địa phương theo tập quán hoặc do lịch sử để lại. Cùng một tên gọi (đồng âm), ở những nơi khác nhau lại được dùng để chỉ những đối tượng khác nhau (không đồng nghĩa). Ngược lại, cũng một đối tượng (đồng nghĩa) ở những nơi khác nhau có tên gọi khác nhau (không đồng âm). Mặt khác, một đối tượng cụ thể cũng có những tên gọi khác nhau trong thư tịch (hành chính), trong dân gian và khác nhau theo thời gian. Do đó, để tiện lợi và nhằm phản ánh đúng bản chất của một hệ tự nhiên, đồng ý với quan điểm của Nguyễn Hữu Cử và nnk, chúng tôi đề nghị sử dụng cả từ địa phương có viết hoa – Đầm Cầu Hai, Phá Tam Giang, và từ khoa học đã phiên âm tiếng Việt mà không viết hoa – lagun. Khi đề cập tới một vấn đề khoa học thì dùng từ phiên âm và khi đề cập tới đối tượng cụ thể thì dùng từ địa phương. Chẳng hạn, hệ đầm phá Tam Giang – Cầu Hai là một lagun ven bờ, hay quy luật phân bố trầm tích đáy Đầm Ô Loan biểu hiện một lagun ven bờ đang phát triển ở giai đoạn trưởng thành.

Bùi Thắng







CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM