Một số yếu tố tác động đến môi trường đầm phá Tam Giang – Cầu Hai

  • TS. Bùi Thắng
  • 10-01-2020
  • 263 lượt đọc
Kết quả nghiên cứu

Đầm phá Tam Giang – Cầu hai nằm ở ven biển tỉnh Thừa Thiên Huế, nơi chịu tác động của các yếu tố tự nhiên và hoạt động kinh tế – xã hội của con người. Các tác động đó đã làm cho môi trường bị biến động theo chiều hướng vừa tiêu cực, vừa tích cực. Nội dung bài viết này, tác giả đánh giá các yếu tố hoạt động kinh tế – xã hội (KTXH) của con người tác động đến môi trường nước (làm tổn thương môi trường nước) ở đầm phá Tam Giang – Cầu Hai.

     Theo thống kê, khoảng 300.000 cư dân có đời sống gắn liền với việc khai thác trực tiếp hoặc gián tiếp nguồn tài nguyên ở hệ đầm phá, họ sống ở 236 bản làng của 31 xã thuộc các huyện Phong Điền, Quảng Điền, Hương Trà, Phú Vang và Phú Lộc. Tùy điều kiện thực tế và đặc điểm nguồn lợi trên các vùng nước mà sự phân bố các nghề khai thác cũng khác nhau theo từng khu vực, nhưng đều thuộc hai nhóm chính: đánh bắt và nuôi trồng thủy sản ở đầm phá.

     Hoạt động đánh bắt thuỷ sản được tiến hành bởi số lượng cư dân lớn sống trong vùng và diễn ra thường xuyên trên toàn hệ đầm phá. Các nghề khai thác đánh bắt thuộc 2 nhóm chính là nghề khai thác cố định và nghề khai thác lưu động. Nghề khai thác cố định bao gồm: nghề sáo, đáy, rớ giàn, chuôm, dạy; nghề khai thác lưu động gồm: nghề lưới, te máy, giã, xung điện, xiếc, …. Theo số liệu thống kê, nghề khai thác cố định gồm: sáo có 2078 trộ, đấy có 1273 miệng, rớ giàn có 250 giàn, chuôm có 76 cái, xiếc có 271 vàng, rớ tôm có 433 cái, lưới cua có 691 vàng, …. Hiện nay, khai thác và quản lý chưa theo kế hoạch chung nên nhiều nghề đánh bắt đã dẫn đến những nguy cơ lớn cho môi trường và hệ sinh thái như nghề sáo, đáy, chuôm, te, giã, xung điện là những nghề điển hình nhất. Nghề sáo phân bố nhiều nhất như: ở Điền Hải (Phong Điền), Quảng Lợi, Quảng Ngạn (Quảng Điền) và ít hơn như: ở Vinh Giang, Vinh Hiền, Lộc Điền, Lộc Trì (Phụ Lộc). Hầu hết là sáo mùng, sử dụng vật liệu từ lưới polietilen với kích thước mắt lưới a = 5 mm, khoảng cách giữa các trộ theo chiều dọc và chiều ngang hẹp chỉ 5 – 10 m, các trộ sáo trải dài khoảng 1 km. Với phân bố và bố trí như trên, hệ thống sáo trong đầm phá đã gây trở ngại lớn về giao thông, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoàn lưu nước và nguồn lợi thuỷ sản. Nghề đáy thường gặp ở vùng Tam Giang và Thuỷ Tú. Chúng phân bố dọc theo các lạch ở về hai phía của cửa Thuận An. Khoảng cách giữa các hàng đáy trung bình là 500 m, giữa hai cọc đáy là 7 m, lưới ở phần đụt của đấy có a = 3 – 5 mm. Với đặc điểm đó, nghề đáy có tính huỷ diệt nên rất ảnh hưởng đến phát triển của các nguồn lợi. Nghề te máy đánh bắt thuỷ sản có tính huỷ diệt lớn đã bị cấm sử dụng, những vẫn còn lén lút hoạt động. Đây là nghề có ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của hệ sinh thái.

     Những phân tích nêu trên cho thấy các hoạt động đánh bắt và khai thác nguồn lợi đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến nguồn tài nguyên và môi trường ở hệ đầm phá. Đặc biệt trong điều kiện quản lý khai thác còn chưa hợp lý thì ảnh hưởng của việc đánh bắt thủy sản đã trở thành những nguy cơ khó lường được.

     Nuôi trồng thuỷ sản ở hệ đầm phá Tam Giang – Cầu Hai trong những năm gần đây rất phát triển và đã trở thành thế mạnh của tỉnh. Hiện trạng nuôi trồng thuỷ sản ở đây tồn tại 2 hình thức chính là: Nuôi quảng canh, quảng canh cải tiến với mật độ thấp có xen ghép nhiều đối tượng và nuôi thâm canh, bán thâm canh, nuôi đơn. Trong đó, hình thức nuôi quảng canh biến đối với các cơ sở tư nhân, hình thức nuôi thâm canh phổ biến ở các cơ sở quốc doanh. Các ao nuôi phổ biến ở Điền Hải, An Truyền, Tuý Vân, Lộc Điền và chủ yếu năm ven đầm phá. Gần đây còn xuất hiện các hình thức ngăn ao bằng sáo, lưới rất tiện lợi nên phong trào nuôi trồng thuỷ sản càng phát triển. Cơ cấu của các ao nuôi phổ biến nhất là theo mô hình cải tiến: tôm – rong câu, tôm – cua – cá – rong câu, tôm – cua – cá. Ở hệ đầm phá Tam Giang – Cầu Hai có nhiều điều kiện thuận lợi cho phát triển nuôi trồng thủy sản như độ sâu cột nước vừa phải (vùng có độ sâu <1,5 m), địa hình đáy trong phạm vi ao nuôi khá bằng phẳng, môi trường có dinh dưỡng vào loại khá tốt và hầu như chưa bị ô nhiễm. Tuy nhiên do môi trường nước biến đổi theo mùa, theo thủy triều và hình thái vực nước rất lớn, nên sản lượng nuôi còn phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên nên tốc độ phát triển thủy sản còn thấp.

     Trong khu vực đầm phá, các công trình xây dựng thủy nông, giao thông, công nghiệp không nhiều, nên yếu tố này chưa đặt ra cấp bách. Cảng Thuận An, tỉnh Thừa Thiện Huế tuy có lưu lượng hàng hoá và tàu thuyền qua không nhiều, nhưng do đã quy hoạch và xây dựng cảng dầu, nên đã trở thành mối lo ngại lớn về môi trường. Theo các số liệu nghiên cứu, trên khu vực hệ đầm phá đã có một số nơi hàm lượng dầu tăng cao chủ yếu do thải từ các tàu thuyền trong quá trình hoạt động. Các công trình thuỷ nông trong vùng có đập Thảo Long, hệ thống đê ngăn mặn ở Phong Điền, Quảng Điền, Hương Trà, Phú Vang có chiều dài khá lớn. Đập Thảo Long được xây chắn ngang dòng sông Hương và nằm ở phía Tây cửa Thuận An, để ngăn mặn xâm nhập vào phía thượng nguồn. Hoạt động đóng mở đập tiến hành theo mùa và theo thuỷ triều, mùa mưa đập mở để thoát lũ, mùa khô hầu hết thời gian trong ngày đập đóng, chỉ mở 1-2 giờ vào lúc triều kiệt phục vụ cho giao thông đi lại trên sông. Cùng với hệ thống đê ngăn mặn, việc đóng đập Thảo Long có ảnh hưởng đến sự vận chuyển vật liệu trầm tích vào hệ đầm phá, nhưng không gây nên nguy cơ tổn thương môi trường. Tuy không nằm trong vùng đầm phá, thậm chí là khá xa, như các đập chứa nước lớn, khu công nghiệp, nhà máy, bệnh viện … ở thượng nguồn của các sông, nhưng lại có khả năng ảnh hưởng lớn đến môi trường ở hệ đầm phá. Trước tiên, cần phải nói đến  các đập chứa nước ở đầu nguồn, như: đập Tả Trạch, thủy điện Bình Điền đã và đang tiến hành xây dựng, sẽ đem lại ý nghĩa rất lớn trong đời sống kinh tế – xã hội. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng cần phải nghĩ tới sự ảnh hưởng của chúng đối với vấn đề trao đổi nước, diễn biến của các cửa biển, diễn biến của môi trường nước và hệ sinh thái trong đầm phá. Theo các nghiên cứu đã nêu, khi đập xây dựng xong sẽ làm biến đổi dòng chảy ở các sông đổ về đầm phá. Kết quả trong mối tương tác sông – biển, nguồn nước sông vốn đã thể hiện yếu vào mùa khô nay lại càng yếu hơn nữa, nên chắc hẳn hiện tượng đóng các cửa biển sẽ có nhiều cơ hội để xảy ra, theo đó hệ sinh thái và nguồn lợi của hệ đầm phá cũng thay đổi theo hướng không mong đợi. Nguồn nước sông đổ vào hệ đầm phá chủ yếu qua các sông Hương, Bồ, Ô Lâu, Truồi, Nông và sông Cầu Hai. Các sông này chảy qua các khu công nghiệp, nhà máy, bệnh viện, các khu dân cư, …, nên sự ô nhiễm đầm phá là điều khó tránh khỏi. Mặt khác, với mặt bằng dân trí còn thấp, hơn 300.000 dân cư sống quanh hệ đầm phá hàng ngày gây ảnh hưởng tiêu cực đến nguồn nước và phần lớn các chất thải trong sinh hoạt của họ là vấn đề cần phải quan tâm đúng mức để phòng ngừa hậu quả trong tương lai.

TS. Bùi Thắng – Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp hội







CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM