Liên hiệp hội cần đẩy mạnh công tác tư vấn, phản biện và giám định xã hội ngày càng chuyên nghiệp, hiệu quả và thiết thực hơn

Tư vấn, phản biện và giám định xã hội (TV,PB&G;ĐXH) là hoạt động mang tính xã hội, độc lập khách quan, là nhu cầu của xã hội, là trách nhiệm của trí thức khoa học và công nghệ đóng góp công sức, trí tuệ của mình trong quá trình xây dựng và phát triển kinh tế, xã hội, bảo vệ Tổ quốc.

 

Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức Hội thảo bàn giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội phục vụ phát triển kinh tế – xã hội tỉnh Thừa Thiên Huế

Hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội là hình thức để trí thức đóng góp trí tuệ, cung cấp cở sở khoa học, cơ sở thực tiễn cho đảng, nhà nước và các cơ quan có thầm quyền làm cơ sở đánh giá, phân tích và quyết định các vấn đề về đường lối, chủ trương, chính sách quan trọng và những chương trình, dự án lớn có liên quan về khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo và chính sách xây dựng đội ngũ trí thức.

Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Thừa Thiên Huế (Liên hiệp hội) là một tổ chức chính trị – xã hội có chức năng là tập hợp, phát huy trí tuệ đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ để phục vụ phát triển kinh tế -xã hội tỉnh nhà. Đến nay, hệ thống Liên hiệp hội tỉnh có 47 hội thành viên, 9 trung tâm trực thuộc, 1 câu lạc bộ và một nhóm tư vấn, phản biện xã hội về môi trường với trên 30.000 hội viên là các nhà khoa học thuộc nhiều lĩnh vực khoa học và công nghệ có chuyên sâu, có quá trình công tác lâu năm và tầm nhìn rộng để nghiên cứu, đóng góp ý kiến đánh giá, phản biện và giám định xã hội về những khía cạnh khác nhau của các chủ trương, chính sách, dự án phát triển kinh tế – xã hội và công trình, dự án trọng điểm của tỉnh.

Cơ sở pháp lý của Tư vấn, phản biện và giám định xã hội được xác định rõ trong các văn kiện của Đảng và các Chỉ thị, Quyết định của Chính phủ và của tỉnh, như Quyết định số14/2014/QĐ-TTg về tư vấn phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp các Hội Khoa hoc và Kỹ thuật Việt Nam. Đặc biệt, ngày 18/11/2015, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành Quyết định số 2679/QĐ-UBND quy định về hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Thừa Thiên Huế (Liên hiệp hội) đối với các vấn đề về đường lối, chủ trương, chính sách quan trọng và những chương trình, dự án lớn về khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, và chính sách xây dựng, phát triển đội ngũ trí thức trên địa bàn tỉnh,..

Nhiệm kỳ 2013-2018, với cách tiếp cận mới, Liên hiệp hội tỉnh đã chủ động  tổ chức các hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội phục vụ xây dựng, triển khai các chương trình, dự án trọng điểm của tỉnh. Trong đó, năm 2015, Liên hiệp hội đã được UBND tỉnh giao làm nhiệm vụ tư vấn, phản biện độc lập Dự án Quy hoạch chi tiết hai bờ sông Hương và Dự án thí điểm tỉnh Thừa Thiên Huế. Bên cạnh đó, Liên hiệp hội còn tham gia góp ý dự thảo và phản biện các các Đề án lớn như: Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 5 năm (2016-2020); Quy hoạch ngành khoa học và công nghệ tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030; Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030; Điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016-2020) tỉnh Thừa Thiên Huế và Quy hoạch tổng thể phát triển vật liệu xây dựng của tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2020 định hướng đến 2030. Ngoài ra, Liên hiệp hội còn tập trung đẩy mạnh tư vấn giải pháp chuyển giao khoa học và công nghệ phục vụ sản xuất, đời sống; tư vấn chuyển giao kết quả nghiên cứu sáng tạo khoa học công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới, bảo vệ môi trường, như là: Hội thảo tư vấn giải pháp đẩy mạnh ứng dụng khoa học & công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế; hội thảo “Chuyển giao kỹ thuật nuôi bò cho vùng gò đồi ở Thừa Thiên Huế”; hội thảo chuyển giao giải pháp nuôi trồng thủy sản bền vững cho người dân và các địa phương nuôi tôm trên địa bàn tỉnh; hội thảo chuyển giao ứng dụng chế phẩm sinh học phục vụ phát triển sản xuất cây trồng bền vững cho người dân và các địa phương trên địa bàn tỉnh,… và nhiều hoạt động tư vấn khoa học khác của các hội thành viên, đơn vị trực thuộc được tổ chức.

Xây dựng và phát triển kinh tế – xã hội tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn mới, đó là: xây dựng Thừa Thiên Huế thành thành phố trực thuộc T.Ư theo hướng “di sản văn hóa, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường”; đến năm 2020, xứng tầm là một trong những trung tâm văn hóa – du lịch, y tế chuyên sâu, giáo dục – đào tạo, khoa học – công nghệ của cả nước và khu vực; Đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng tăng trưởng xanh và kinh tế tri thức, thành phố thông minh, chính quyền điện tử,.. do đó, đòi hỏi cần có sự huy động đông đảo các nhà khoa học, trí thức tham gia tích cực trong hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội các quy hoạch, kế hoạch, chương trình phát triển tại địa phương. 

Để đáp ứng được yêu cầu này, Liên hiệp hội và đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ cần tiếp tục đẩy mạnh tập hợp đoàn kết, phát huy trí tuệ và trách nhiệm của đội ngũ trí thức hiến kế, nâng cao tính chủ động đề xuất, sáng tạo, tham mưu cho Tỉnh ủy, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân và các ngành những vấn đề quan trong về chủ trương, chính sách phát triển quê hương, trước hết là những vấn đề có liên quan đến khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, chính sách đối với trí thức. 

Trí Huế

Người cập nhật: Đinh Văn Chung

Các bài viết khác: