Sản xuất phân hữu cơ từ phụ phẩm cây trồng có chứa SI cao để tăng năng suất cho cây lạc

Khô hạn là một trong những vấn nạn làm cho năng suất cây trồng nói chung và cây lạc nói riêng bị giảm mạnh, sản phẩm nông nghiệp không ổn định. Silic là nguyên tố phổ biến hàng thứ 2 trong vỏ trái đất, sau oxy. Thông thường trong đất, hàm lượng Silic là thành phần chính và chiếm từ 50 – 60% tùy loại đất.

Các em Đỗ Hoàng Thế Phúc và Lê Khôi Anh, học sinh trường THPT Chuyên Quốc Học Huế, tác giả của đề tài cho biết: Lạc là cây thực phẩm và cây có dầu quan trọng. Trong số các loại cây lấy hạt có dầu trên thế giới, lạc đứng thứ 2 sau đậu tương về diện tích cũng như sản lượng và đứng thứ 13 về cây thực phẩm. Khô hạn là một trong những vấn nạn làm cho năng suất cây trồng nói chung và cây lạc nói riêng bị giảm mạnh, sản phẩm nông nghiệp không ổn định. Silic là nguyên tố phổ biến hàng thứ 2 trong vỏ trái đất, sau oxy. Thông thường trong đất, hàm lượng Silic là thành phần chính và chiếm từ 50 – 60% tùy loại đất. Tuy nhiên, silic trong cát và đá đa phần không thể hòa tan, do vậy cây trồng không hấp thụ được. Đối với cây lúa, cây ngô, cây mía và vỏ một số loại phụ phẩm cây trồng như lạc, cà phê,… có hàm lượng silic tích lũy trong suốt quá trình sinh trưởng và phát triển là vượt trội hơn rất nhiều so với các loài khác. Do đó, chúng em đã lựa chọn đề tài này để thực hiện. Qua quá trình nghiên cứu nhóm chúng em đã xây dựng được quy trình ủ phân hữu cơ từ phụ phẩm cây trồng chứa Si cao.

Nhìn chung tính chất hóa học của các phụ phẩm cây trồng sau khi ủ phân hữu cơ tốt hơn, đặc biệt là hàm lượng Si. Tổng thời gian sinh trưởng và phát triển của cây lạc là 97 – 99 ngày trong vụ đông xuân và 90 – 92 ngày trong vụ hè thu. Thời gian sinh trưởng ít chịu ảnh hưởng của lượng phân hữu cơ và hàm lượng Si trong phân. Về khả năng chịu hạn của cây lạc: Khối lượng chất tươi và chất khô của cây lạc đạt cao nhất ở lượng bón 9 tấn phân hữu cơ/ha. Bón phân hữu cơ với hàm lượng Si cao, hàm lượng diệp lục tổng số của các công thức cao hơn so với đối chứng không bón. Thời gian hạn càng kéo dài thì hàm lượng nước liên kết của các công thức càng tăng cao và ảnh hưởng tích cực của liều lượng phân hữu cơ chứa Si cao càng thể hiện rõ ràng. Lượng phân hữu cơ càng cao thì tỷ lệ cây héo càng thấp và cây phục hồi càng cao; Năng suất lạc đạt cao nhất ở lượng bón 9 tấn phân hữu cơ/ha, chứng tỏ Si có vai trò tăng tính chịu hạn cho cây lạc. Hiệu suất phân hữu cơ đối với lạc giảm dần ở lượng bón cao. Bón phân hữu cơ từ phụ phẩm cây trồng chứa Si cao đã cải thiện một số tính chất hóa học đất, đặc biệt hàm lượng silic trong đất. Kỹ thuật mới áp dụng mang lại năng suất và hiệu quả kinh tế. Thông qua mô hình đã nâng cao được kiến thức cho học sinh tham gia. Góp phần tạo việc làm cho người dân địa phương. Kỹ thuật sử dụng đơn giản nên người dân có thể áp dụng dễ dàng ở quy mô rộng. Sử dụng phụ phẩm cây trồng có chứa Si cao làm phân bón tận dụng được nguồn phụ phẩm cây trồng, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân địa phương và cải thiện môi trường, góp phần thích ứng biến đổi khí hậu.

Đề tài này được Hội đồng giám khảo và Ban tổ chức Cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên, Nhi đồng tỉnh Thừa Thiên Huế lần thứ XI năm 2018 đánh giá cao tính thực tiễn và khả năng ứng dụng.

 

Giải Pháp

Người cập nhật: Đinh Văn Chung

Các bài viết khác: